15/06/2022
Trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam có xu hướng quan tâm đến ván E1 với mục đích giảm thiểu phát thải formaldehyde (foman-đê-hít) ra không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường. Đây là chủ đề không phải người tiêu dùng nào cũng nắm rõ. Nếu bạn cũng có mối quan tâm hoặc đang thắc mắc về vấn đề trên thì hãy đi đến cuối bài viết này để cùng tìm hiểu chi tiết hơn nhé!
Formaldehyde là gì?
Formaldehyde là chất khí có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, có khả năng gây ung thư cao. Nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư cho nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi,... Formaldehyde cũng là tác nhân gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể. Phụ nữ có thai bị nhiễm khí này có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
Formaldehyde không tồn tại độc lập mà tồn tại ở dạng dung dịch hay trong các hợp chất khác và chỉ hóa hơi khi có điều kiện thích hợp (khi độ ẩm và nhiệt độ tăng). Do vậy, sự tồn tại của formaldehyde ở môi trường trong nhà (gỗ, rèm cửa, chăn gối, ga trải giường, bọc đệm ghế, thảm, các sản phẩm nhựa dùng trong nhà…) luôn cao hơn môi trường ngoài trời. Từ đó, ta có thể thấy việc nhiễm formaldehyde đối với sức khỏe con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy.
Các triệu chứng dễ quan sát và nhìn thấy khi con người sống trong môi trường có formaldehyde là cay mắt, đỏ mắt, kích thích đường hô hấp trên gây chảy mũi, viêm đường thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi; gây viêm da, viêm da dị ứng, mề đay; làm chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng... Đặc biệt, khi tiếp xúc hay ăn phải với một hàm lượng cao formaldehyde có thể gây tử vong (30ml là liều lượng có thể gây chết người).
Ứng dụng của Formaldehyde
Formaldehyde là một hóa chất công nghiệp độc hại nhưng lại thông dụng trong sản xuất các sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Trong các sản phẩm cuối cùng mà người tiêu dùng sử dụng, vẫn có thể chứa một lượng nhỏ formaldehyde còn tồn tại.
Xây dựng và kiến trúc
Formaldehyde trong keo được sử dụng để sản xuất các sản phẩm gỗ công nghiệp và các sản phẩm gỗ kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trong tủ, mặt bàn, khuôn đúc, đồ nội thất, kệ, hệ thống cầu thang, sàn nhà,... Các loại keo này mang lại hiệu suất chất lượng cao và cực kỳ tiết kiệm.
Ứng dụng chăm sóc sức khỏe
Formaldehyde có lịch sử sử dụng an toàn trong sản xuất vắc-xin, thuốc chống nhiễm trùng và viên nang gel cứng.
Chăm sóc cá nhân và sản phẩm tiêu dùng
Formaldehyde là chất hóa học rất cần thiết trong sản xuất nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân và tiêu dùng. Những sản phẩm này có thể chứa các thành phần giải phóng formaldehyde, hoạt động như một chất bảo quản để tiêu diệt vi sinh vật và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và mầm bệnh khác, kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Ô tô
Đối với ô tô, công nghệ formaldehyde có tác dụng giúp xe nhẹ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Nhựa formaldehyde được sử dụng để chế tạo các bộ phận đúc bên trong và các bộ phận dưới mui xe đòi hỏi khả năng chịu nhiệt độ cao. Những loại nhựa này cũng được sử dụng trong sản xuất sơn lót ngoại thất có độ bền cao, sơn phủ, chất kết dính dây lốp, má phanh và các bộ phận hệ thống nhiên liệu.
Formaldehyde trong gỗ
Ở dạng tự nhiên, hóa chất Formaldehyde này tồn tại sẵn trong gỗ, một số thực phẩm như táo, cà chua, khói động cơ, khói thuốc lá, khói đốt gỗ, dầu và khí hóa lỏng (gas),…Đối với nhân tạo, thì ta có thể tìm thấy formaldehyde trong các sản phẩm đã qua chế biến như sơn và dầu bóng, gỗ ép, keo, vải, chất chống cháy, các chất bảo quản và chất cách ly…
Gỗ là nguyên liệu chính được sử dụng trên toàn thế giới để làm ván gỗ như ván dăm (PB), ván sợi (FB), gỗ kỹ thuật song song (PSL) và các sản phẩm liên quan khác như ván dăm định hướng (OSB), ván veneer nhiều lớp (LVL), và ván gỗ xẻ nhiều lớp (LSL). Nhựa tổng hợp, đặc biệt là nhựa urê formaldehyde là chất kết dính chính được sử dụng trong các tấm gỗ.
Hiện nay, nhựa aminoplastic được sử dụng trong công nghiệp để sản xuất ván với phát thải formaldehyde dưới 0,1 ppm, đó là giá trị giới hạn cho tiêu chuẩn gỗ E1, theo tiêu chuẩn của Đức. Mục tiêu cuối cùng được nhắm đến là sản xuất những tấm ván có độ phát thải formaldehyde bằng với gỗ tự nhiên chưa được xử lý. Trên thực tế, cây gỗ sống cũng có thể phát ra formaldehyde. Tuy nhiên, nó chỉ có một lượng rất thấp, ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Các phương pháp xác định nồng độ phát thải formaldehyde trong gỗ công nghiệp
Có rất nhiều phương pháp dùng để đo nồng độ phát thải formaldehyde như các phương pháp buồng thí nghiệm; phương pháp dùng bình hút ẩm; phương pháp bình thí nghiệm; phương pháp phân tích khí; phương pháp phân tích khí TNO; phương pháp FLEC; phương pháp chiết…
Kết quả đo sẽ xếp loại gỗ có đạt tiêu chuẩn E0, E1, E2 đối với thị trường Châu Âu, tiêu chuẩn CARB đối với thị trường Mỹ và tiêu chuẩn JIS đối với thị trường Nhật Bản. Khi đánh giá formaldehyde trong gỗ, so sánh sản phẩm thì cần phải đối chiếu với 1 phương pháp chuẩn để có kết luận chính xác.
Tiêu chuẩn Châu Âu và các cấp độ ván E0, E1, E2
Trên cơ sở tự nguyện, Đức và Châu Âu đề nghị lượng phát thải formaldehyde từ ván thấp hơn so với quy định dành cho tiêu chuẩn E1. Đến 2015 giá trị phát thải ở trạng thái ổn định là 0.05ppm(phần triệu - đơn vị đo mật độ), theo phương pháp EN 717 - 1 trong buồng thí nghiệm, phương pháp chiết không được chấp nhận như một công cụ để đánh giá formaldehyde phát thải. Đến năm 2016, tiêu chuẩn E1 có giá trị phát thải là 0.03ppm. Đối với đồ nội thất, nồng độ formaldehyde được đề xuất là 0.05ppm. Ngoài ra, giá trị theo phương pháp chiết 4.5mg/100g ván hoặc theo phân tích khí 2mg/h/m3 cũng được chấp nhận.
Ở châu Âu, ván gỗ công nghiệp có thể được chứng nhận theo tiêu chuẩn EN13986:2005. Trong EN13986:2005 các ván gỗ đạt cấp độ E2 vẫn có thể được chấp nhận.
Tiêu chuẩn CARB và tiêu chuẩn JIS
Tháng 7/2007, Ủy ban tài nguyên không khí California (CARB) thuộc Cơ quan bảo vệ môi trường California (EPA) đã ban hành Biện pháp kiểm soát độc hại trong không khí (ATCM) để giảm phát thải formaldehyde từ sản phẩm gỗ composite. Giá trị giới hạn trong ATCM dành cho ván dăm, ván sợi và ván dán được quy định. Tháng 7/2008, các giá trị giới hạn ATCM đã được hoàn thiện và thiết lập.
Vào tháng 5 năm 2008, Hiệp hội gỗ tổng hợp (CPA) của Hoa Kỳ tại Leesburg/Virginia ban hành hướng dẫn được chứng nhận đầu tiên cho "Chứng nhận của bên thứ ba" (TPC) được ủy thác để mô tả các tấm gỗ dựa trên quy định của CARB. Theo đó, gỗ tổng hợp phải tuân thủ các quy định đã ban hành trong hai giai đoạn khác nhau được gọi là CARB I và CARB II. Các tấm gỗ chuẩn bị sử dụng chất kết dính không có formaldehyde hoặc hiển thị mức phát thải formaldehyde rất thấp (phát ra cực thấp) có thể được loại trừ khỏi các yêu cầu của CARB.
Năm 2003, Nhật Bản giới thiệu quy định nghiêm ngặt liên quan đến phát thải formaldehyde của gỗ công nghiệp dựa trên việc đo formaldehyde sử dụng phương pháp bình hút ẩm, chi tiết trong JIS – A1460 (2001). Theo quy định đưa ra, ván dăm và ván sợi được phủ và không phủ bề mặt, được phân loại theo formaldehyde phát thải trong 4 cấp độ F*, F**, F*** và F****.
Tại Việt Nam hiện nay, tiêu chuẩn Châu Âu với sự phân loại ván E0, E1, E2 hiện đang được rất nhiều người quan tâm vì lợi ích sức khỏe và môi trường.
Như vậy, bài viết đã hoàn thành tổng hợp đến người đọc những thông tin cơ bản về vấn đề phát thải Formaldehyde. Hy vọng bạn đọc có thể tích lũy được những kiến thức cần thiết và áp dụng trong những trường hợp cụ thể.
Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thông tin thêm hoặc tham khảo các sản phẩm trong hệ thống có thể ghé thăm Website chính thức hoặc gọi trực tiếp tới hotline của PANEX để được tư vấn cụ thể.
Hãy đến với PANEX để có cuộc sống tiện nghi hơn!